"CNTT-TT được xem như ngành kinh tế mũi nhọn, kinh tế tri thức của cả nước. Càng chú trọng CNTT-TT, trí tuệ Việt Nam càng tỏa sáng", Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp nhấn mạnh.

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) ngày 10/3 đã tổ chức Hội nghị doanh nghiệp Công nghệ thông tin - Truyền thông (CNTT-TT), với nhiệm vụ triển khai Đề án "Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT".

Đánh giá tổng quan tình hình, ông Nguyễn Ngọc Đường - Vụ trưởng Vụ CNTT, cho biết các doanh nghiệp CNTT-TT tiếp tục nằm trong nhóm dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong khối các doanh nghiệp.

"So với các ngành khác, đây là ngành mà Việt Nam có tiềm năng và cơ hội phát triển, có khả năng theo kịp các nước trong khu vực và trên thế giới", ông Đường lưu ý.

Chủ động tiếp cận thế giới

Tuy nhiên, đội ngũ nhân lực, hạ tầng kỹ thuật, việc ứng dụng CNTT và cơ chế chính sách cho cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này còn nhiều hạn chế - mà chính các doanh nghiệp cần đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp đột phá để triển khai Đề án thành công. Trong đó, tăng cường đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực là khâu quan trọng nhất.

Cụ thể, DN cần phối hợp với các trường đại học cập nhật nội dung, chương trình đào tạo; tiếp nhận và tạo điều kiện cho sinh viên đến thực tập; xây dựng các phòng thí nghiệm trong các trường Đại học; phát triển đào tạo trực tuyến; đào tạo các kỹ năng mềm, các công nghệ mới, kỹ năng tiếng Anh; về ứng dụng CNTT.

Công nghiệp phần mềm Việt Nam bắt đầu có tốc độ tăng trưởng nhanh (ảnh misa)

Những nội dung này đã được các DN hàng đầu về CNTT-TT thảo luận sôi nổi tại hội nghị.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng GĐ Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, cho rằng: "Nếu chúng ta cứ đặt ra thời gian trong 10 năm tới mới phủ cập Internet băng thông rộng thì chúng ta lại quay lại một nước trung bình so với thế giới. Theo tôi, cũng với những mục tiêu đó nhưng chúng ta sẽ chạy nhanh hơn trong vòng 5 năm".

Nói về việc Việt Nam thiếu nhân lực giỏi, ông Nguyễn Đức Chính, Tổng giám đốc Global CyberSoft, cho rằng, Việt Nam nên tận dụng chuyên gia CNTT ở nước ngoài và xây dựng các trung tâm đào tạo, nên có một tổ chức hỗ trợ cho các công ty CNTT Việt Nam tiếp cận với các công ty CNTT quốc tế.

"CNTT - TT được xem như ngành kinh tế mũi nhọn, kinh tế tri thức của cả nước, đến mức được ví rằng CNTT-TT chỉ cần có Bộ não và Bầu trời đã tạo ra Của cải. CNTT-TT càng được chú trọng bao nhiêu, trí tuệ Việt Nam càng tỏa sáng bấy nhiêu".

Bộ trưởng Bộ TT-TT Lê Doãn Hợp

Nhiều doanh nghiệp cũng đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách về CNTT-TT; các biện hỗ trợ từ phía Chính phủ và Bộ TT-TT trong quá trình triển khai Đề án như: thành lập Ủy ban đặc biệt về Đề án các quốc gia mạnh về CNTT; cho phép thành lập hội đồng tư vấn như một tổ chức tự do, tự nguyện về phát triển CNTT; các văn bản chỉ đạo QLNN về CNTT phải ra kịp thời...

Nhà nước cũng cần có trách nhiệm bảo vệ tài sản trên mạng của các cơ quan, doanh nghiệp. Ông có đưa ra trường hợp của một số báo bị hacker tấn công, kéo theo tâm lý lo lắng của các nhà đầu tư nước ngoài.

"Bộ phải tuyên bố rõ ràng là bảo vệ các tài nguyên mà doanh nghiệp đã xây dựng được trên mạng", ông Nguyễn Thành Nam - nguyên Tổng giám đốc FPT, kiến nghị.

Một trong những điều mà các doanh nghiệp cùng chung kiến nghị là chính sách miễn giảm thuế đất, miễn giảm thuế thu nhập cá nhân cho các doanh nghiệp trong ngành CNTT ít nhất là 10 năm.

Ngoài ra, ông Nguyễn Ngọc Đường - Vụ trưởng Vụ CNTT, cũng cho rằng, các doanh nghiệp nên chủ động trong việc đầu tư, sát nhập, mua lại để hình thành các doanh nghiệp lớn, đủ sức chiếm lĩnh thị trường quốc tế để vươn ra thế giới cũng cần được chú trọng.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguồn tăng trưởng chính của Viettel là đầu tư ra nước ngoài. Ông Hùng khẳng định doanh nghiệp cần có một chiến lược đầu tư ra nước ngoài một cách bài bản; và kiến nghị Chính phủ nên tiêu dùng nhiều cho CNTT. Một trong những công việc quan trọng đầu tiên là xây dựng thành công Chính phủ điện tử và đầu tư phát triển doanh nghiệp CNTT.

Năm 2010, tổng doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông, Internet đạt 162.120 tỷ đồng (tăng 21% so với năm ngoái); doanh thu công nghiệp CNTT đạt hơn 16 tỷ USD, đã hình thành công nghiệp phần mềm với tốc độ phát triển cao (33%/năm).

Các hoạt động gia công xuất khẩu phần mềm được ghi nhận trong số 20 nước đứng đầu thế giới.

Phát huy 5 lợi thế của ngành

Tiếp thu ý kiến các doanh nghiệp CNTT tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp cho rằng xây dựng được nước Việt Nam mạnh về CNTT là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, từ mỗi cơ quan, doanh nghiệp cho đến từng người dân.

Bộ trưởng khẳng định rõ lợi thế của các doanh nghiệp CNTT-TT Việt Nam trong quá trình hiện thực hóa đề án:

Cụ thể, hầu hết các doanh nghiệp CNTT-TT đang đạt mức tăng trưởng cao, có đà phát triển tốt; tốc độ đổi mới nhanh, hội nhập quốc tế sâu rộng, gần như là cao nhất so với các ngành khác; đặc thù ngành khiến doanh nghiệp dễ tiếp thu cái đúng, cái mới; đội ngũ lãnh đạo trẻ, trí thức cao, và có trách nhiệm; CNTT-TT đang phát triển trong điều kiện luật đã hoàn thiện dần, các định hướng phát triển gần như đủ rõ.

"CNTT-TT vì thế được xem như ngành kinh tế mũi nhọn, kinh tế tri thức", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Lê Doãn Hợp tổng kết và đưa ra một số cam kết về thể chế, chính sách: chính sách đất đai, chính sách thuế, hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ hạ tầng, nhất là vùng sâu, vùng xa.

"Việt Nam đã có đủ các điều kiện để phát triển bên trong và thời cơ bên ngoài, và do yêu cầu của nội tại doanh nghiệp. 2011 cũng là năm bắt đầu thực hiện chiến lược 10 năm, Việt Nam triển khai một đề án quan trọng như vậy là phù hợp", Bộ trưởng giải thích về lý do chọn thời điểm này để triển khai đề án.

http://vef.vn

Cảm ơn đã xem, đã có 1,263,970 lượt xem.
Thông báo:

Bài viết về công nghệ thông tin khác
Thông tin liên hệ

Zalo 0935 999617

Zalo 0972 13 14 19