Ông Nguyễn Hải Triều, Giám đốc điều hành Pyramid Consulting Vietnam đã chia sẻ về tiềm năng phát triển của thị trường này, cũng như những trải nghiệm của công ty sau 10 năm phát triển dịch vụ kỹ thuật trong lĩnh vực QCTT.
Chưa xứng với tiềm năng
Trong năm 2010, thị trường QCTT toàn cầu đã phục hồi và tăng trưởng ở mức 12.4%, riêng thị trường Mỹ chiếm 26 tỉ USD (tăng 15%). Trong đó, tiếp thị di động (mobile marketing) được đánh giá là xu hướng mới đầy tiềm năng; ước tính doanh thu từ tiếp thị di động của thị trường Mỹ chiếm khoảng 550 đến 650 triệu USD năm 2011 (theo IAB).
Cùng với sự phát triển nhanh chóng gần đây của ngành cung cấp nội dung số và các mạng xã hội, QCTT Việt Nam cũng đang tăng trưởng mạnh. Theo công ty nghiên cứu thị trường Cimigo, tổng doanh thu QCTT trong năm 2009 đạt 278 tỷ đồng (15,5 triệu USD; tăng 71% so với năm 2008) dù chỉ chiếm 2% tổng thị trường quảng cáo.
Con số trên 24 triệu thuê bao Internet hiện nay được xem là điều kiện thuận lợi. Nhưng, ngành QCTT Việt Nam vẫn chưa thật sự phát triển đúng với tiềm năng thị trường do đa số doanh nghiệp (DN) chưa biết cách tận dụng hết tiện ích của Internet; hoạt động QCTT phần lớn chỉ thể hiện ở việc đăng banners trên website và một số hoạt động viral marketing (tiếp thị lan truyền); Các ý tưởng sáng tạo kết hợp kiến thức công nghệ Internet với QCTT còn thiếu, đặc biệt là các giám đốc tiếp thị chưa hiểu rõ vai trò và giá trị của QCTT; Các chuyên gia tiếp thị số hỗ trợ, tư vấn cho DN sử dụng QCTT của các công ty quảng cáo truyền thông hạn chế cả số lượng lẫn chất lượng.
Hiện có nhiều chương trình đào tạo, tiếp thị số được liên kết với chuyên gia từ các hãng truyền thông châu Âu, Mỹ nên đội ngũ chuyên gia tiếp thị số của Việt Nam có thể sẽ tốt hơn sau 3 đến 4 năm tới.